Quy trình trồng và chăm sóc cây ổi. Có thể áp dụng hướng dẫn này cho các giống ổi khác nhau như ổi lê Đài Loan, Ổi tím malaysia, Ổi không hạt… Mời bà con cùng theo dõi.
Lựa chọn giống ổi
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống ổi: Mỗi giống có ưu nhược điểm khác nhau. Giá cả thị trường cũng khác nhau. Tùy vào khả năng tiêu thụ, đầu ra mà bà con nên chọn canh tác thuần một giống ổi, điều này sẽ giúp cho quá trình trồng và chăm sóc được thuận tiện hơn
Một số giống ổi mới, được thị trường ưa chuộng hiện nay
- Giống ổi lê Đài Loan: Quả to, mọng nước, giòn, vị ngọt thanh
- Giống ổi tím Mã Lai: Hoa, quả, lá đều màu tím, rất đẹp mắt, giá thị trường thu mua cao
- Giống ổi không hạt: Cơm dày, ít hạt hoặc không hạt, giòn, ngọt, trái trung bình
Cây ổi giống có thể được ươm bằng hạt hoặc chiết cành. Ổi trồng hạt cây khỏe, thời gian kinh doanh lâu hơn nhưng tỷ lệ thoái hóa giống cao, chất lượng quả có thể kém hơn. Trong khi đó ổi chiết cho quả sớm, chất lượng giống đảm bảo hơn
Chuẩn bị đất trồng ổi + mật độ trồng ổi
Đất trồng ổi cần thoát nước tốt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, tầng canh tác tối thiểu 50cm. Đặc biệt đất phù sa, đất mới khai phá, đất đỏ bazan thất thích hợp với cây ổi, năng suất và chất lượng quả được nâng cao đáng kể.
Trồng ở vùng đất trũng thoát nước kém, cần tiến hành đào mương, đắp mô. Mỗi mô cao 0.5 – 0.8m. Trên mỗi mô trồng 2 hàng ổi. Hàng cách hàng 2m, cây cách cây 3m
Đất bằng phẳng trồng với mật độ 3x3m hoặc 2,5 x 3m. Tương đương 1.100 – 1.500 cây/ha
Hố trồng ổi có kích thước 0.5 x 0.5 x 0.5m. Trộn đều lớp đất mặt với 10-15kg phân chuồng (hoặc 5-10kg phân vi sinh công nghiệp) + 0.3kg supe lân + 0.3kg vôi (tùy theo độ pH của đất – đất trồng ổi pH thích hợp là 4.5 – 8.2). Lấp hỗn hợp phân + đất mặt đầy hố. Ủ tối thiểu 1 tháng trước khi trồng
Thời vụ và kỹ thuật trồng ổi
Ổi có thể trồng quanh năm nếu có điều kiện tưới tiêu thuận lợi. Tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa khoảng tháng 4-5 dương lịch. Khi trồng nên chọn những cây ổi giống khỏe mạnh, lá đã cứng cáp. Không nên trồng những cây ổi vừa đâm chồi non, lá non. Vì khi thay đổi môi trường, dễ bị rụng lá, khô chồi, tỷ lệ sống không cao
Khi trồng dùng dao/kéo rạch nhẹ bầu ươm, tránh làm vỡ bầu. Dùng cuốc, xẻng khơi một lỗ chính giữa hố, lớn hơn kích thước bầu một chút. Đặt bầu vào chính giữa, lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh gốc. Không nên trồng quá sâu, tốt nhất nên trồng sao cho mặt bầu bằng hoặc cao hơn mặt đất một chút. Phần gốc nên vun nhẹ, tránh để đọng nước
Khi trồng xong cần tưới nước ngay và tiến hành cắm cọc cố định cây. Nếu trồng mùa khô, có thể tiến hành đánh bồn để tiện cho việc tưới nước.
Chăm sóc định kỳ cho cây ổi
Tưới nước: Ổi trưởng thành chịu hạn tốt, tuy nhiên để năng suất cao và sinh trưởng khỏe mạnh cần thường xuyên cung cấp đủ nước cho cây. Mùa khô cần phủ gốc bằng các vật liệu như cỏ khô, rơm rạ, trấu, xác bèo. Mùa mưa, thường xuyên xới xáo bồn để phá váng, vun gốc tránh để đọng nước
Làm cỏ: Vườn ổi cần thông thoáng, nên làm cỏ thường xuyên, một năm 4-5 lần hoặc hơn, tùy vào tình hình cỏ dại. Việc làm cỏ vừa giúp hạn chế sâu bệnh, côn trùng ẩn nấp, vừa giúp ổi không bị cạnh tranh dinh dưỡng, tăng hiệu quả khi bón phân.
Cắt tỉa cành tạo tán: Khi cây cao tầm 50cm tiến hành bấm ngọn, nuôi 3-5 cành cấp 1 tỏa đều ra các hướng. Hãm cây ở chiều cao 1,7-2,0m để tiện chăm sóc, thu hoạch. Sau vụ thu hoạch cần cắt ngọn hoặc vít cành, tạo những tổn thương nhân tạo để cây ra chồi mới. Giữ sản lượng ổn định cho những năm sau.
Kỹ thuật bón phân cho cây ổi
- Giai đoạn kiến thiết: Từ lúc trồng cho đến khi cây ra bói, cần thường xuyên bón thúc bằng phân NPK có tỷ lệ N và P cao. Giúp cây phát triển bộ rễ và hệ thống cành. Lần bón đầu tiên tiến hành sau khi trồng 1 tháng, sau đó cứ 1-2 tháng bón các lần tiếp theo cho đến khi cây ra quả bói. Liều lượng bón 0.1 – 0.3kg/1 cây. Khi bón có thể hòa tan và tưới vào gốc hoặc kết hợp với tưới nước để tăng hiệu quả
- Giai đoạn kinh doanh: Mỗi năm bón 4 lần phân, 2 lần mùa mưa 2 lần vào mùa khô. Giai đoạn nuôi trái và gần thu hoạch (ổi thu hoạch vào khoảng tháng 8-9 DL) cần sử dụng phân NPK có hàm lượng Kali cao để tăng chất lượng quả. Tùy theo giống ổi và tình hình dinh dưỡng mà bón lượng phân khác nhau. Trung bình 2kg/cây/năm
- Phân bón lá: Hàng năm cần phun phân bón lá 1-2 lần. Giúp bổ sung vi lượng, trung lượng và kích thích tăng trưởng. Khi phun nên phun vào ngày mát trời, không mưa dầm, không nắng gắt. Có thể kết hợp pha và phun chung với thuốc bảo vệ thực vật
- Phân hữu cơ: Bắt đầu bón từ năm thứ 2 trở đi. Sử dụng phân chuồng hoai mục, bón 1-2 năm 1 lần. Mỗi lần 30kg. Khi bón cần đào rãnh hoặc hố sâu 20-25cm để lấp phân, cách gốc 50-80cm, đối xứng. Năm sau đào vị trí khác năm trước.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi
Các loại nấm, tảo gây ra những vết thâm trên quả, lá. Hoặc gây ra hiện tượng đen rụng quả non, giảm năng suất. Các bệnh do nấm hoặc tảo có thể xử lý bằng cách phun các loại thuốc có gốc đồng như COC85, Ridomil 68…
Rệp sáp: Thường xuất hiện nhiều và khó kiểm soát trên các vườn ổi ít chăm sóc. Khi cây bị rệp sáp có thể xuất hiện thêm nhiều loại kiến cộng sinh. Có thể xử lý bằng các loại thuốc trừ sâu lưu dẫn, đặc trị rệp sáp như VIDIFEN, ECASI…
Tuyến trùng: Sử dụng các loại thuốc dạng bột, hoặc nước pha theo tỷ lệ trên bao bì, tưới vào gốc. Thường tuyến trùng cần được xử lý vào đầu mùa mưa. Các thuốc hiệu quả là Apashuang 10h, Afudan 3g…
Ruồi vàng hại quả: Thường chích hút quả gây thối quả, hoặc làm quả dị dạng giảm giá trị thương phẩm. Có thể hạn chế bằng cách tiến hành bọc quả bằng túi nilon, khi quả có đường kính 2-2,5cm
Thu hoạch và bảo quản ổi
Thời gian từ khi đậu quả đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng, khi ổi chín sẽ chuyển sang màu hơn vàng. Da căng, mọng nước. Vị ngọt của ổi bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Ổi thu hoạch mùa khô sẽ ngọt hơn ổi mùa thu hoạch mùa mưa.
Để quả ổi đẹp, đều ít bị sâu bệnh, cần tiến hành bọc trái bằng túi nilon trong khi ổi có đường kính 2-2,5cm. Trước khi bọc ổi cần xử lý nấm và các loại sâu bệnh để hạn chế mầm bệnh còn sót lại. Vặt bỏ lá tròn sát cuống, và các cánh lá ở rốn ổi (phần búp hoa còn sót lại sau khi đậu quả)
Ổi sau khi thu hoạch cần lót bằng rơm, bọc xốp, tránh để va chạm trực tiếp với nhau, làm trầy vỏ mất giá trị thương phẩm. Cần vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ, để lâu ổi héo sẽ mất ngon.
Xin cảm ơn bà con đã theo dõi bài viết. Mọi góp ý xin bổ sinh bằng chức năng bình luận ở cuối bài viết. Chúc bà con thành công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét